ĐƯỜNG DÂY NÓNG
Thông kê truy cập
CHÍNH TRỊ - KINH TẾ - ĐÔ THỊ
Ngày 10/10, UBND xã Cổ Loa tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật đất đai và Luật Thủ đô năm 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành cho lãnh đạo công chức, và Nhân dân trên địa bàn Xã.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe ông Trưởng Công Đỉnh - Trưởng Chi nhánh trợ giúp pháp lý số 11, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước thành phố Hà Nội giới thiệu những điểm mới của Luật Đất đai và các nội dung chính của Luật Thủ đô năm 2024.
Theo đó, Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 18/1/2024, có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Luật gồm 16 Chương, 260 Điều; trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 Điều, bao gồm các chính sách liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường hỗ trợ tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; mở rộng quyền sử dụng đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Nhiều nội dung mới của Luật Đất đai năm 2024 mang tính đột phá quan trọng, góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất. Luật phân cấp mạnh cho chính quyền cấp huyện, nhất là trong công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; công tác định giá đất… Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, HĐND, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội các cấp và Nhân dân. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy sử dụng đất hợp lý, hiệu quả, bền vững...
Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội chính thức thông qua gồm 7 Chương, 54 Điều (tăng 3 Chương, 27 Điều so với Luật Thủ đô 2012), trong đó có những nội dung trọng tâm, nổi bật như: tổ chức chính quyền ở Hà Nội được tổ chức theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Các quy định được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ từ trung ương về thành phố (về đầu tư, quy hoạch xây dựng, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ…), đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô đối với hoạt động quản lý điều hành các mặt của đời sống kinh tế - xã hội của Thủ đô.Việc Thủ đô Hà Nội có được một bộ luật cho riêng mình thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước đối với sự phát triển của Thủ đô. Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô.