Visitor Tracking
TỔ DÂN PHỐ 5 KHÔNG
Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương trong cả nước xuất hiện tình trạng giả danh cán bộ đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm để lừa đảo. Thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng là giả danh cơ quan chức năng, yêu cầu chủ các cơ sở nếu muốn không bị kiểm tra thì chuyển tiền để lừa đảo chiếm đoạt...
Cục An toàn thực phẩm cho biết, hiện nay có tình trạng giả mạo văn bản của sở y tế (như thông báo, quyết định về việc thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát) với nội dung sẽ tiến hành kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa.
Văn bản mạo danh Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu kiểm tra, giám sát
hoạt động kinh doanh thực phẩm.
Sở Y tế các địa phương như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Quảng Trị, Tiền Giang, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Quảng Ninh, Long An, Thanh Hóa, Thái Nguyên… đã phát đi thông tin cảnh báo về việc xuất hiện tình trạng mạo danh đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm để lừa đảo.
Văn bản mạo danh Sở Y tế Thanh Hóa. Ảnh: TL
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong 2 ngày cuối tháng 9/2024, Công an Thành phố đã ghi nhận một số đối tượng lừa đảo sử dụng phương thức công nghệ cao để gọi điện thoại cho chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Các đối tượng này đề nghị kết bạn qua mạng xã hội zalo để thông báo có đoàn kiểm tra của Sở Y tế sẽ kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm.
Từ năm 2024 trở đi, Thanh tra Sở Y tế không còn chức năng thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, thông tin trên là lừa đảo.
Thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo sử dụng là gọi điện thoại giả danh lãnh đạo các sở y tế, thanh tra sở y tế hoặc chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh thành, kết bạn zalo. Để tạo niềm tin cho chủ cơ sở, các đối tượng lừa đảo gửi một số tài liệu mạo danh Sở Y tế và các cơ quan chức năng liên quan khác ký ban hành đến các cơ sở kinh doanh như quyết định và thông báo về việc thành lập đoàn kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn với mẫu hình thức tương tự văn bản của các cơ quan Nhà nước. Điểm thường thấy của các văn bản giả mạo này là nội dung không mạch lạc, sai về thể thức văn bản, phông chữ. Lợi dụng tâm lý lo sợ của các chủ cơ sở, các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu chuyển tiền để tránh bị kiểm tra hoặc xử phạt…
Nhận định đây là thủ đoạn lợi dụng mạng xã hội giả danh cơ quan chức năng nhằm gây tâm lý hoang mang, lo sợ để yêu cầu các chủ cơ sở chuyển tiền để “lo lót” với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, người dân cần cẩn trọng trước chiêu trò lừa đảo này.
Để kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo, người dân khi nhận được các cuộc gọi hoặc văn bản nghi ngờ hãy liên hệ trực tiếp với Sở Y tế hoặc cơ quan chức năng có liên quan để xác minh thông tin. Tuyệt đối không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng cho bất kỳ ai khi chưa xác minh rõ ràng.
Trước thực trạng trên, UBND xã Cổ Loa thông tin đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn biết được thủ đoạn trên.
Trường hợp các cơ sở sản xuất kinh doanh phát hiện các văn bản nghi ngờ giả mạo thì thông báo đến đường dây nóng của Sở Y tế, Thanh tra Sở Y tế, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, hoặc Công an xã Cổ Loa. Đồng thời, phối hợp với cơ quan công an để xử lý những trường hợp phát hiện sai phạm theo quy định của pháp luật.