ĐƯỜNG DÂY NÓNG
Thông kê truy cập
LỄ HỘI CỔ LOA
Một mùa xuân mới lại về. Mùa xuân cho muôn hoa đua nở, cho muôn cây đâm chồi nẩy lộc - cho mọi nhà đón Tết, vui xuân. Mùa xuân cũng là mùa chảy hội của mọi người sau những ngày lao động mệt nhọc.
Lễ hội là một sự kiện văn hóa được tổ chức mang tính cộng đồng, được tổ chức để thoả mãn nhu cầu sinh hoạt văn hoá, nhu cầu tâm linh của nhân dân, giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Lễ hội không những hấp dẫn nhân dân và du khách đến với di tích, góp phần tôn tạo, tu bổ di tích, danh thắng mà còn nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi người dân trong việc giữ gìn nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Lễ hội thể hiện ước mơ, nguyện vọng và năng lực sáng tạo văn hoá của nhân dân, góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá, đề cao lòng tự tôn dân tộc, là thành luỹ đề kháng văn hoá độc hại, hướng con người đến với chân - thiện - mỹ.
Với ngừời dân Cổ Loa: "Chết thì bỏ con bỏ cháu
Sống không bỏ mồng sáu tháng giêng"
Ấy là câu ca với những lý lẽ quả quyết nhưng lại rất mộc mạc, chân thành nói về tình cảm thiết tha về ngày hội làng của nhân dân Bát xã Loa Thành. Tâm điểm của Lễ hội là toà Thành ốc Cổ Loa và tâm linh của lễ hội là hướng về đức vua An Dương Vương.
Ngày mồng 6 tháng giêng là ngày kỷ niệm Vua An Dương Vương tức vị, lên ngôi Hoàng Đế. Trải qua hơn hai ngàn năm lịch sử, nhân dân bát xã Loa Thành, cứ hàng năm đến ngày mồng 6 tháng giêng, lại tổ chức Lễ hội để ghi nhớ công ơn Đức vua An Dương Vương. Cách đây hơn hai ngàn năm lịch sử, năm 257 TCN được Vua Hùng Duệ Vương nhường ngôi. Vua An Dương Vương lên ngôi Hoàng Đế, cảm công đức Hùng Duệ Vương, xây miếu điện thờ các Vua Hùng và xây cột đá thề trong núi nghĩa lĩnh.
Lời thề có đoạn viết "Thần là kẻ tiểu tử Thục An Dương Vương nhận cơ đồ nhà Hùng để nối tiếp chính thống, ơn sâu đức lớn sánh ngang đất trời, nay lập miếu đường họ Hùng, để ức vạn năm sau có chỗ phụng thờ, hương hoả không dứt. Việc cúng tế theo nghi lễ Quốc gia, sau này những Vua kế vị hoặc có kẻ nào sai trái lời ước, phai nhạt thề nguyền, thì núi sông đất trời phải bắt chịu như lời thề này.
"Ấy là ngày mồng 9 tháng giêng năm Giáp Thìn"
Vua An Dương Vương chính ngôi 50 năm, 18 năm đắp luỹ xây thành, 10 năm chống giặc nhà Tần xâm lược. Nước Âu Lạc thời đó chưa đến 2 triệu người, song Vua An Dương Vương đã cùng ngũ hổ tướng quân Âu Lạc: Cao Lỗ hầu, Nồi Hầu, Ông Chèm, Ông Đống, Ông Vực… bằng những chiến lược, chiến thuật tài tình đã tiêu diệt 20 vạn quân Tần chém tướng đồ thư, chiến công dung chuyển đất trời, kẻ thù khiếp đảm.
Vua An Dương Vương là người sát nhập 2 bộ tộc Âu Việt - Lạc Việt thành quốc gia Âu Lạc. Mở mang bờ cõi xuống đồng bằng, miền biển, dựng kinh đô ở Cổ Loa. Mảnh đất địa linh nhân kiệt, cuối trung du, đầu đồng bằng, có mã quỳ, voi phục, cửu long, tranh châu, được thiên thời địa lợi nhân hoà.
Để phòng ngừa ngoại bang xâm lược, Vua An Dương Vương xây thành, được các nàng tiên trên trời xuống giúp, 15 năm xây thành cao lại đổ, Ngọc Hoàng sai Thần Kim Quy xuống giúp. Vua An Dương Vương mừng vô hạn, thần Kim Quy nói với Vua An Dương Vương: "Thành xây cao lại đổ là do Bạch Kê Tinh ở núi Thất Diệu Sơn, có thù oán với nhà Vua từ kiếp trước phá hoại thành và nhà Vua chưa có kinh nghiệm xây thành trên đầm lầy sông nước".
Thần Kim Quy giúp Vua An Dương Vương tiêu diệt Bạch Kê tinh và hiến kế xây thành ba năm hoàn chỉnh, toà Thành không có góc tử giác, giặc đứng chỗ nào cũng bị phát hiện và tiêu diệt.
Đời Tuỳ - Đường nói:Thành Cổ Loa, Thành rộng 9 lớp, cao như núi Côn Lôn. Câu nói của đại thần quân vụ Tôn Thất Thuyết treo trong cung điện ca tụng Thành ốc:
Tặc đáo Loa Thành tuỳ diệt một
Điện vô quy nỗ - dũ uy linh
Diễn nôm: Giặc đến Loa Thành đều tuyệt diệt
Điện không Thần Nỏ bội uy linh
Thần Kim Quy giúp Vua An Dương Vương xây thành xong, trước khi về trời có tặng lại vuốt Rùa làm lẫy nỏ. Cảm ơn công đức Thần Kim Quy, Vua An Dương Vương xây đền Sái thờ thần Kim Quy.
Nỏ thần Kim Quy đã cùng quân dân Âu Lạc 3 lần chiến thắng Triệu Đà sang cướp nước ta. Buộc phải cầu hoà triều cống Âu Lạc, trang sử vàng chống giặc ngoại bang muôn đời chói lọi.
Lễ hội là nét đẹp văn hoá, là nhu cầu tinh thần và tâm linh trong nhân dân, là giáo dục truyền thống đạo lý muôn đời "Uống nước nhớ nguồn"; tưởng nhớ về vị thần chủ - vị vua lập nước Âu Lạc, xây dựng “kinh thành” Cổ Loa cùng với quân dân Âu Lạc là những người dân gốc Cổ Loa trong buổi đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể.
Giá trị lịch sử của lễ hội Cổ Loa được thể hiện qua việc ca ngợi công đức của Đức vua An Dương Vương và các tướng lĩnh - người lập nên nhà nước Âu Lạc, nhân vật có thật trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Lễ hội Cổ Loa hàm chứa giá trị lịch sử miền đất, con người; các giá trị về tri thức văn hóa dân gian trong canh tác nông nghiệp, trong tín ngưỡng văn hóa tâm linh, trong phong tục tập quán, các ngày lễ tiết trong năm của người dân Cổ Loa. Mỗi một mùa lễ hội, nhân dân Cổ Loa và các làng trong Bát xã lại được dịp ôn lại về giai đoạn lịch sử mở nước, chống giặc ngoại xâm và khơi gợi niềm tự hào dân tộc.
Lễ hội Cổ Loa tự mang trong mình những giá trị văn hóa, không gian văn hóa, thời gian văn hóa…hết sức đa dạng, phong phú. Lễ hội thể hiện giá trị tín ngưỡng thờ vua - Thành hoàng làng, sự giao hòa âm dương cùng rất nhiều những giá trị diễn xướng khác nhau, hòa cùng nhau để đáp ứng nhu cầu mong người yên, vật thịnh, mọi vật sinh sôi, phát triển… Lễ hội Cổ Loa là cầu nối vô hình trong tín ngưỡng của người dân Cổ Loa và Bát xã. Tập quán và thực hành văn hóa có tính vùng rộng lớn là một đặc điểm nổi bật của lễ hội Cổ Loa. Lễ hội Cổ Loa còn là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, phô diễn những tài năng sáng tạo nghệ thuật, tái hiện lại những thời khắc lịch sử hào hùng của mảnh đất đã hai lần là kinh đô của đất nước và là nơi cư trú của người Việt cổ từ rất sớm.
Với ý nghĩa đó, Lễ hội Cổ Loa Xuân Quý Mão 2023 tiếp tục phát huy tích cực những truyền thống tốt đẹp, kiên quyết xử lý triệt để hiện tượng không đúng với nghi lễ và sự trang nghiêm của ti tích: Không để hiện tượng mê tín, dị đoan, bói toán, các đạo lạ xuất hiện trong di tích và Lễ hội; Không để ăn mày, ăn xin làm ảnh hưởng mỹ quan lễ hội; Nghiêm cấm các tệ nạn cờ bạc trá hình, trò chơi ăn tiền; trò chơi nguy hiểm; cấm các hàng dịch vụ bán đồ chơi có tính chất kích động bạo lực, gây nguy hiểm đến tính mạng của nhân dân.
Đối với các dịch vụ trông giữ xe và hàng quán sắp xếp đúng nơi quy định của BTC, không tự động lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây cản trở ách tắc giao thông, nghiêm cấm các loại xe vào khu vực lễ hội (Trừ các xe đến dự và phục vụ lễ hội). Nghiêm cấm các hàng dịch bầy bán nơi cửa Đền, cửa Đình và các tuyến đường trung tâm khu vực lễ hội không theo quy định. Ban tổ chức quy định giá vé cho từng loại xe theo Quyết định số 44/2017 ngày 15/12/2017 của UBND thành phố quy định về giá trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Ban tổ chức lễ hội Cổ Loa yêu cầu: Mỗi người khách đến với lễ hội cần phát huy tinh thần trách nhiệm. Nên tuân thủ, chấp hành các quy định của pháp luật; nội quy, quy tắc ứng xử nơi công cộng. Tôn trọng không gian chung của cộng đồng. Ứng xử lịch thiệp, thân thiện, đúng mực. Trang phục lịch sự, phù hợp hoàn cảnh, chuẩn mực xã hội. Quan tâm, nhường nhịn, giúp đỡ người khuyết tật, phụ nữ có thai, người già, trẻ em; Đấu tranh, bảo vệ lẽ phải, người yếu thế; phê phán hành vi sai trái. Tôn trọng, bảo vệ cảnh quan môi trường, Không nên kích động, đe dọa, sử dụng bạo lực. Nói tục, chửi bậy; xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác. Hút thuốc, khạc nhổ, phóng uế tùy tiện. Xả rác thải, chất thải trái nơi quy định hay sử dụng vũ khí, chất gây nổ trái phép. Khi phát hiện các biểu hiện vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng đến lễ hội, báo cho BTC lễ hội hoặc các lực lượng làm nhiệm vụ của lễ hội để ngăn chặn và xử lý kịp thời. Mỗi người khách tới lễ hội cần nêu cao tinh thần cảnh giác, bảo vệ tài sản của mình, tránh những sơ hở để kẻ xấu lợi dụng trộm cắp, rạch túi, cướp giật tài sản, góp phần cho lễ hội đảm bảo "An toàn - vui tươi - lành mạnh"…
Để đảm bảo trật tự an toàn trong và ngoài khu vực lễ hội, cũng như an toàn cho mỗi du khách về dự Lễ hội Cổ Loa. Ban tổ chức lễ hội đề nghị người dân trong xã khi ra vào khu vực trung tâm lễ hội mang theo căn cước công dân để thuận tiện cho công tác kiểm soát tại các chốt an ninh; Đề nghị các lực lượng đã được phân công nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện tốt các nhiệm vụ, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm, không chấp hành quy định của pháp luật và các quy định của BTC lễ hội.
Các hàng quán, dịch vụ ăn uống được bố trí tại các khu ẩm thực cần thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. yêu cầu chủ các cơ sở kinh doanh phải bố trí đầy đủ thùng đựng rác và thu gom rác thải đúng quy định, phát huy truyền thống tốt đẹp của người Cổ Loa "Thanh lịch, mến khách", sức khoẻ của khách là sức khoẻ của mình.
Lễ hội Cổ Loa năm nay cùng với tế, lễ uy nghi của hội đồng bát xã Loa Thành diễn ra nơi Hoàng Cung Đền thờ Vua An Dương Vương vào ngày mồng 5 và mồng 6/giêng. Nhằm khơi dậy, nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa; tôn vinh, gìn giữ và bảo tồn những nét độc đáo của Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Cổ Loa; đồng thời tuyên truyền, quảng bá sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về giá trị của di sản, ý nghĩa, tầm quan trọng của Lễ hội Cổ Loa trong đời sống cộng đồng;
Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, khoa học, cùng các giá trị hướng về cộng đồng, bảo tồn và trao truyền văn hoá, cố kết và biểu dương sức mạnh cộng đồng, giáo dục, bảo tồn và làm giàu kho tàng di sản văn hoá dân tộc, cùng giá trị về kinh tế, du lịch, Lễ hội Cổ Loa đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 603/QĐ-BVHTTDL ngày 03/2/2021.
UBND huyện Đông Anh long trọng tổ chức Lễ công bố Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội Cổ Loa vào đúng vào dịp tổ chức lễ hội xuân Quý Mão 2023; Đây là tiền đề quan trọng để khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa ngày càng phát huy giá trị, thu hút sự quan tâm của nhân dân và du khách thập phương. Đồng thời tiếp tục đón nhận đầu tư các công trình trọng điểm của Thành phố và Huyện chuẩn bị thực hiện như: Dự án đầu tư xây dựng Đền thờ Đức vua Ngô Quyền, Dự án đầu tư xây dựng quảng trường di sản, quảng trường văn hóa tại khu di tích; Dự án phục dựng thành phía Tây Cổ Loa và nhiều công trình quan trọng khác được thực hiện giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo.
Song song với các hoạt động tế, lễ, rước phần Hội được chú trọng tổ chức phong phú với các hoạt động văn hóa, thể thao thu hút sự tham gia của nhân dân và du khách thập phương. Nhiều trò chơi dân gian, văn nghệ truyền thống được tổ chức như: Hát tuồng cổ, hát chèo, rối nước, hát quan họ, đu tiên, ném còn; Các giải thi đấu được tổ chức sôi nổi như: Hội thi bắn nỏ Loa Thành, giải vật dân tộc, giải bóng chuyền tranh “Cúp Loa Thành”; giải cờ tướng,… Đặc biệt trong dịp lễ hội, cùng với các hoạt động của BTC, tại Khu di tích sẽ diễn ra một số hoạt động trưng bày, biểu diễn, cụ thể: tổ chức bắn nỏ truyền thống tại khu không gian Việt, viết thư pháp tại sân đền Thuợng và sân truớc Đình - Am.
Đầu xuân năm mới, quý khách đến với Lễ hội Cổ Loa là về với kinh đô Âu Lạc xưa, về với tổ tiên của dân tộc. Quý khách với tâm linh hướng về Đức Thánh, Đức Phật, với tấm lòng vàng công đức Đền Vua, Đình Ngự triều Di quy, Am thờ Công Chúa Mỵ Châu, Chùa Bảo Sơn: Đức Phật, Đức Thánh phù hộ cho quý khách:
Gia trạch cát cường
Bách phúc biền chăn
Thiên tường vạn tập
Xuân đa cát khánh
Thu tống tam tai
Hạ bảo bình an
Đông nghênh bách phúc
Quý khách không thắp hương trong cung để đảm bảo an toàn cho di tích và lễ hội. Số hương còn lại cung tiến vào đền, cụ từ lễ thắp quanh năm, quý khách càng thêm lộc, thêm phúc phật thánh phù hộ. Khi vào các cơ sở thờ tự, tín nguỡng tôn giáo quý khách:
NÊN: Tôn trọng tự do tínn ngưỡng, tôn giáo. Giữ gìn, phát huy nghi thức, giá trị truyền thống. Chấp hành quy định, hướng dẫn tại nơi thờ tự. Đi nhẹ, nói khẽ, giữ gìn trật tự, vệ sinh chung.
KHÔNG NÊN: Thực hành, ủng hộ mê tín dị đoan. Lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, xâm hại lợi ích của tập thể, cá nhân. Xâm hại cảnh quan, không gian tín ngưỡng, tôn giáo. Mặc trang phục hở hang, không phù hợp thuần phong mỹ tục, gây phản cảm…
CHƯƠNG TRÌNH LỄ HỘI CỔ LOA XUÂN 2023
I- Phần nghi lễ:
- Ngày 5/giêng: Bát xã tế tại Đền Thượng.
- Ngày 6/giêng:
+ 7 giờ 00’: Đón tiếp anh Cả Quậy tại trụ sở BTC Lễ hội.
+ 7 giờ 15': Các đơn vị Bát xã tập kết vị trí đã quy định (phía Tây sân rồng hạ) theo thứ tự: 1. Văn Thượng; 2. Mạch Tràng; 3. Sằn Giã; 4. Ngoại Sát; 5. Đài Bi; 6. Cầu Cả; 7. Thư Cưu; Anh Cả Quậy tập kết phía Đông sân rồng hạ
+ 7 giờ 30' - 8 giờ 30’: Bát xã và anh cả Quậy dâng lễ cung Vua.
+ 8 giờ 30': Khai mạc lễ hội.
+ 9 giờ - 10 giờ00’: Anh Cả Quậy đọc mật khẩn và làm lễ, Bát xã tế - lễ
+ 10 giờ - 10 giờ 30’: Bát xã nghênh ruớc
+ 15 giờ: Quan viên Cổ Loa tế, lễ tại Đình Ngự triều di quy
- Ngày 7/giêng: Tổng kết hoạt động của Hội đồng bát xã tại Đền Thượng.
II. Phần Hội:
* Ngày 5/giêng: Từ 7 giờ 30’ đến 17 giờ 00'
+ Khai mạc các hoạt động Văn hóa - Thể thao tại sân khấu trung tâm.
+ Tổ chức Đu tiên, Vật dân tộc tại sân cửa Đình
+ Thi bắn nỏ tại khu Văn Chỉ (cạnh Đền thờ vua An Dương Vương)
+ Thi đấu cờ tướng tại sân truớc cửa Đình
+ Chung kết giải bóng chuyền tranh Cúp Loa Thành tại sân vận động Cầu Bài
+ Biểu diễn Tuồng cổ tại sân khấu trung tâm.
* Tối 19 giờ 30': Lễ công bố Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia: Lễ hội Cổ Loa, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
* Ngày 6/giêng Quý Mão (Từ 7 giờ 30' đến 17 giờ 00')
+ Chung kết giải Bóng chuyền tranh cúp Loa Thành
+ Thi đấu cờ người
+ Vật truyền thống
+ Đu tiên
+ Bắn nỏ
+ 9 giờ - 15 giờ 30’: Hát quan họ thuyền rồng tại Giếng Ngọc
+ 9 giờ - 15 giờ 30': Biểu diễn rối nước tại ao Trung tâm lễ hội
+ 10 giờ - 12 giờ: Biểu diễn tuồng cổ tại sân khấu trung tâm
+ 16h30: Tổng kết, trao giải các hoạt động tại Lễ hội
Ban tổ chức Lễ hội Cổ Loa xuân Quý Mão năm 2023
kính chúc quý khách về dự Lễ hội Cổ Loa xuân Quý Mão một năm mới
đắc lộc, đắc tài, an khang, thịnh vượng!